Điểm du lịch lễ 30-4: Thị Xã Gia Nghĩa (Daknong)

Thị xã Gia Nghĩa, trung tâm của tỉnh Đắk Nông, được thành lập ngày 27/6/2005, có tổng diện tích tự nhiên 284km2. Thị xã Gia Nghĩa có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Nghĩa Đức, Nghĩa Thành, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Trung và các xã Đăk R’Moan, Quảng Thành, Đăk Nia.
Vị trí địa lí của thị xã Gia Nghĩa: đông giáp huyện Đăk Glong, tây giáp huyện Đăk R’lấp, nam giáp tỉnh Lâm Đồng, bắc giáp huyện Đăk Song.



Tour liên quan:Tour du lịch lễ 30-4: Buôn Ma Thuột- Gia Nghĩa (3 ngày 3 đêm)

Nằm trên quốc lộ 14, cách Sài Gòn 225km, cách Buôn Ma Thuột 120km, được bao bọc bởi hệ thống núi đồi rộng lớn, với các hồ đập của hai công trình thuỷ điện Đắk R’tih huyện Đắk R’Lấp và Đồng Nai 3&4 huyện Đắk Glong.

Thị xã Gia Nghĩa là trung tâm của tỉnh Đăk Nông, đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống các tuyến đường giao thông cùng nhiều dự án lớn về hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và các dự án về thương mại, khách sạn - nhà hàng. Với nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, âm vang cồng chiêng khắp núi rừng, cùng các món ăn đặc trưng tây nguyên: Cà đắng, canh chua lá giang, cơm lam…., hệ thống nhà hàng khách sạn phong phú và đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng. Thị xã Gia Nghĩa sẽ là địa điểm du lịch thú vị và hấp dẫn với du khách.
1. Địa hình:

Thị xã Gia Nghĩa nằm về phía Tây Nam Tây Nguyên, địa hình phức tạp, gồm nhiều dãy đồi núi mấp mô xen kẽ nhiều khe suối tự nhiên lớn, nhỏ tạo thành dạng địa hình bị chia cắt mạnh. Địa hình thị xã có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, do vậy không thuận lợi trong canh tác nông nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng các công trình, nhưng lại tạo cảnh quan sinh động và thơ mộng cho khu đô thị thị xã có dáng vẻ đặc trưng riêng biệt của miền núi Tây Nguyên.
2. Cơ cấu hành chính:
Thị xã Gia Nghĩa được thành lập theo Nghị định số 82/2005/NĐ-CP, ngày 27 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đắk Nông (cũ) là xã Quảng Thành, xã Đắk Nia và thị trấn Gia Nghĩa để thành lập 08 đơn vị hành chính mới thuộc thị xã Gia Nghĩa, bao gồm 05 phường và 03 xã. Với tổng diện tích tự nhiên là 28.374 ha, dân số trên 46 ngàn người; có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn gồm: Mạ, M’Nông, Thái, Nùng, Tày, Mường, H’Mông, Khơ me, Dao, Gia Rai, Hoa, Cao lan, Ê đê, Cho ro, Sán dìu, Sán chí, Sán chay, Xê đăng, Kinh; có 3 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: đạo Thiên chúa, đại Tin lành, đạo Phật.
3. Mối quan hệ vùng:
Thị xã Gia Nghĩa có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong mối quan hệ liên vùng, có mối giao lưu thuận lợi theo tuyến đường Bắc-Nam (QL14); là đầu mối nối vùng Tây nguyên với vùng trung tâm kinh tế lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh; đồng thời là đầu mối nối vùng Bắc Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum) với Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như: Ninh Thuận, Bình Thuận,…. thông qua quốc lộ 28; có nhiều thác lớn đẹp như: Liêng Nung, Thác 3 Tầng … thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ du lịch. Trong tương lai sẽ có đường sắt đi qua nối khu mỏ khai thác bô xít với các khu công nghiệp của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là lợi thế trong quan hệ phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của thị xã, sẽ có điều kiện tăng cường các quan hệ hợp tác đầu tư phát triển.
4. Lịch sử - Văn hoá:

- Trước năm 1975, Gia Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Đức, khi đó Gia Nghĩa là cấp xã, có 3 thôn Nghĩa Đức, Nghĩa Thành, Nghĩa Tín. Sau khi tỉnh Quảng Đức nhập vào tỉnh Đăk Lăk, Gia Nghĩa trở thành thị trấn huyện lỵ huyện Đăk Nông.
Đến năm 2005 thị xã Gia Nghĩa được thành lập theo Nghị định số 82/2005/NĐ-CP, ngày 27 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ.
- Lịch sử phát triển văn hóa:
Công tác giáo dục: Thị xã Gia Nghĩa đã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007. Hiệu suất đào tạo tăng dần qua từng năm học.
Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao: mức hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như: có 7/7 bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có nhà văn hóa cộng đồng. Phong trào xây dựng đời sống văn đã phát triển về số lượng lẫn chất lượng.
Công tác phát thanh, truyền hình từng bước được mở rộng và nâng cao về diện tích phủ sóng và quy mô phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
- Di tích lịch sử trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa:
Hiện tại trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa có điểm di tích lịch sử cách mạng Nhà bia tưởng niệm đường hành lang chiến lược Bắc – Nam thuộc thôn Đồng Tiến xã Đăk Nia. Đây là địa điểm liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh – đoạn Nam tây nguyên đến Đông Nam Bộ.
- Các lễ hội trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa:
Tỉnh Đăk Nông nói chung và thị xã Gia Nghĩa nói riêng có nền văn hóa hết sức phong phú, đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc, theo số liệu của sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Đăk Nông thì đến nay đồng bào dân tộc M’nông còn 31 lễ hội truyền thống. Thực hiện đề án bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của đồng bào M’nông”, ngành văn hóa tỉnh Đăk Nông đã tổ chức khôi phục được 17 lễ hội của đồng bào dân tộc M’nông như: lễ hội Mừng mùa, lễ hội Đâm trâu, lễ Mừng lúa mới, lễ Kết nghĩa, lễ Tắm lúa, lễ Ăn cơm mới, lễ hội Rnglăp bon( lễ hội Đoàn kết các bon làng), lễ hội Tách Năng Yô, lễ Đón khách, lễ hội Sum họp cộng đồng, lễ Cúng thần rừng… Đây là những lễ hội truyền thống đặc trưng của dân tộc M’nông trên vùng đất cực nam của Tây Nguyên.
5. Khí hậu, thuỷ văn:

Thị xã Gia Nghĩa nằm trong tiểu vùng khí hậu Cao Nguyên Dak Nông – Lâm viên Bảo Lộc, thời tiết mát mẻ, ít có gió bão, không có mùa đông lạnh rất thuận lợi cho phát triển ngành du lịch, nghỉ dưỡng.
Khí hậu chia thành mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa bình quân năm là: 2.339 mm, phân bố chủ yếu vào mùa mưa (khoảng 90%). Về mùa khô, khí hậu khô hạn, độ ẩm thấp. Sự phân bố không đồng đều này đã ảnh hưởng đến sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
- Nhiệt độ bình quân năm là: 220C
- Số giờ nắng bình quân năm từ 1.600 - 2.300 giờ.
- Lượng mưa bình quân năm là: 2.339 mm.
- Lượng bốc hơi bình quân năm là: 1.000 mm.
- Độ ẩm không khí bình quân năm là: 820C.
- Gió có hai hướng chính theo mùa: mùa khô gió Đông Bắc; mùa mưa gió Tây Nam.
6. Tài nguyên nước:
Nhìn chung các con suối trên địa bàn thị xã tương đối nhiều, nhưng lòng sông hẹp, dốc, lũ lớn trong mùa mưa và kiệt nước trong mùa khô. Vì thế hạn chế khả năng cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Hiện tại suối Đăk Nông là nguồn nước chính cho khu vực trung tâm thị xã. Suối Đăk Nông đang được ngành điện khai thác để xây dựng thủy điện và một phần phục vụ nước sinh hoạt cũng như nhu cầu của thị xã.
Nước ngầm: nguồn nước ngầm trong vùng cao nguyên Đăk Nông nói chung và trên địa bàn thị xã nói riêng có nhiều hạn chế. Nước ngầm được khai thác bằng các giếng khoan, giếng đào, nhưng do nước ở tầng sâu nên chi phí đầu tư lớn.
7. Tài nguyên đất:

Diện tích tự nhiên của thị xã Gia Nghĩa có 28.384,4 ha. Trong đó: - Đất rừng: 4.471,5 ha (rừng tự nhiên: 4.415,4 ha; rừng trồng: 56,10 ha). - Đất không có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp: 5.336,2 ha. - Đất nông nghiệp và đất khác: 18.576,7 ha. 8. Tài nguyên du lịch:
Thị xã Gia Nghĩa là một điểm du lịch khá hấp dẫn, có nhiều đồi thông, suối Đăk Nông, các hồ đập. Trong tương lai không xa thị xã Gia nghĩa sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng với hệ thống thác Liêng Nung, hồ Trung tâm, Hồ Thủy điện Đăk R’Tih kết hợp với việc quảng bá các lễ hội văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn thị xã.
8. Tài nguyên khoáng sản:
Trên địa bàn thị xã có các loại khoáng sản như bô xít, đá Grannit, sét Cao Lanh và một số khoáng sản quý hiếm như Vomfram, Thiếc, Alumin…Hiện tại tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã triển khai thăm dò tổng thể và thí điểm khai thác bô xít một số vị trí. Gần đây, đã triển khai xây dựng nhà máy khai thác bo xít ở xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp. Trong tương lai sẽ tiến hành khai thác bô xít quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thị xã và giải quyết việc cho người lao động trên địa bàn thị xã.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Recent Posts