Đèo Ngoạn Mục hùng Vỹ (Ninh Thuận- Đà Lạt)


Có thể nói Ngoạn Mục là một trong những đường đèo đẹp nhất Việt Nam. Chính tên đèo đã phần nào phản ánh được sự hấp dẫn của nó. Đèo dài 18,5km kéo dài từ độ cao 200m đến 980m. Đây cũng là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.

Con đường đèo nối liền 2 tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận có tên Ngoạn Mục đã có gần trăm năm nay (1917). Trước đây, con đường này là tuyến đường chính từ Nha Trang - Phan Rang sang Đà Lạt và cũng là tuyến đường hấp dẫn những tour du lịch khám phá. Đường đèo  uốn lượn theo triền đồi tạo hình vòng sóng, tầng lớp. 
Dọc theo đường đèo là rừng cây xanh, thác nước, và những mảng mây trắng. Con đường đèo dốc này chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển Nam Trung bộ với cao nguyên Đà Lạt bằng sự quyến rũ lãng mạn và hùng vĩ.



Đèo Ngoạn Mục còn gọi là đèo Sông Pha, người Pháp gọi là Belle Vue (Ngoạn Mục) là một trong những đèo đẹp nhất Việt Nam thuộc huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang.

Con đường quanh co gấp khúc liên tục. Lên độ cao 400m , bạn sẽ có dịp nhìn lại đoạn đường đã đi qua. Trên đèo Ngoạn Mục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng, tạo nên những tầng đường mà nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó.

Từ trên đèo nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những chiếc ô tô ví như món đồ chơi chậm chạp đang bò lên hay xuống. Xa hơn là đồng bằng Phan Rang với dòng sông Cái uốn lượn. Hai dải núi cao ôm bọc lấy thung lũng Phan Rang chạy ra tận biển. Những ngày đẹp trời, từ trên đèo có thể thấy đường bờ cát trắng và nhấp nhô những con sóng lăn tăn.



Từ đèo Ngoạn Mục du khách có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh quang xung quanh được thiên nhiên kiến tạo thành một bức tranh hài hòa, với những suối thác cắt ngang vách núi, những dãy núi đồi với hệ thực vật khá phong phú đa dạng và đặc trưng.

Lên Ngoạn Mục vào buổi sáng bằng xe gắn máy, bạn dễ bị choáng ngợp bởi những cụm mây mịt mù. Lên Ngoạn Mục những chiều đông, có thể đứng ở vực cao ngắm ra khoảng rừng những vách đồi trước mặt, thấy những mảng rừng đổi màu lá xanh, lá đỏ như những bức hoạ tuyệt tác từ thiên nhiên.



Và lên Ngoạn Mục vào những đêm trăng sáng, dễ nhận ra một không gian ảo huyền giữa bao la núi rừng, cái cảm giác cô độc và trơ trọi giữa đất trời hoang lạnh lại khiến ta giật mình vì một tiếng chim đêm... Để rồi, khi đến Eo Gió, bạn thực sự ngỡ ngàng vì chỉ một khúc cua ngoặt khuỷu tay, bạn đã lạc vào một vùng khí hậu khác: bỏ lại sau lưng cái gắt gỏng của nắng Ninh Sơn để chìm vào những đợt gió cao nguyên lạnh buốt. Khoảng phân định hai miền khí hậu ấy chỉ cách mấy bước chân...



Với địa thế khá hiểm, Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho dân phượt  trên đường từ phố núi Đà Lạt xuôi về duyên hải nắng gió Phan Rang. Nếu đã đi qua nhiều ngọn đèo trên đất Việt, bạn sẽ thấy Ngoạn Mục không còn là một ngọn đèo vô tri mà nó là một thực thể sống động mang lấy nhiều trạng thái. Với nhiều khách lữ hành, hình như mỗi lần đi qua đây, thiên nhiên hoang dã, sự hùng vĩ núi non Ngoạn Mục đem lại nhiều trạng thái cảm giác khác nhau...



Đèo Ngoạn Mục bây giờ vẫn được thi công sửa chữa dù dự án nâng câp đã triển khai từ đầu năm 2009. Toàn bộ tuyến đường đèo dài gần 19km bị cày xới nham nhở, đất đá ngổn ngang, hệ thống biển báo hoen gỉ, vỡ nhiều. Tại các điểm sạt lở, một nửa thân đường đã bị nước cuốn trôi xuống vực, phần đường còn lại chỉ đủ cho 1 xe ô tô "bò" qua. Tại những điểm như vậy, hệ thống lan can chỉ là những cọc gỗ buộc dây ni-lông sơ sài, tạm bợ. Toàn bộ tuyến đèo lầy lội, trơn trượt, người và xe cộ lấm lem bùn đất...

Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Recent Posts