Ở Thanh Hóa cũng có một " Đà Lạt"


Những ngôi nhà sàn xinh xắn nằm ven sườn đồi, bao quanh là rừng núi, cây cối xanh mướt, những vườn rau trải dài mượt mà. Mùa này xuân như đang về trên đỉnh Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa).

Vùng đất Cao Sơn là tên gọi chung của ba bản: Son, Bá, Mười, thuộc xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước. Nơi đây có độ cao gần 2.000m so với mực nước biển nên còn được mệnh danh là “Sa Pa của xứ Thanh”. Để đến được với vùng đất Cao Sơn này phải vượt qua những con dốc cao, chạy men theo sườn núi. Từ trung tâm xã vào đến những bản làng nơi đây phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ đi bộ.



Khoảng gần 400 năm trước, đồng bào dân tộc Thái đã đến định cư ở nơi đây và hình thành ba bản, nay thuộc xã Lũng Cao. Khu Cao Sơn được bao bọc bởi các đồi, núi, nằm gọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nơi có hệ sinh thái núi đá vôi thấp. Ba bản Son, Bá, Mười có gần 200 hộ với hơn 700 nhân khẩu, sinh sống trên những vạt đồi san sát nhau.

Ba bản này nằm trên đỉnh của dãy Pha Chiến, chạy song song với dãy núi Pù Luông - Cúc Phương, có độ cao khoảng 1.180 m, tách biệt hoàn toàn với các bản khác dưới chân núi. Chính vì vậy mà thiên nhiên đã phú cho nơi đây có khí hậu ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 18-22 độ C.

Trước đây, thực dân Pháp từng có ý định xây dựng Cao Sơn thành khu nghỉ mát. Đặt chân đến Cao Sơn con người như được trở về với thiên nhiên, cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, xoa tan những mệt mỏi lo toan của cuộc sống thường ngày.

Điều đặc biệt là những món rau và nhiều món chế biến nơi đây rất ngon, như: Măng vịt, rượu ngô, rau ngải cứu, ngọn bí... Người dân cho biết, đó là do nguồn nước tự nhiên ở đây. Vì khi những món này đem ra vùng ngoài chế biến thì không còn vị ngon, ngọt như thế. Thời tiết khí hậu nơi đây cũng có những nét riêng biệt, mùa đông năm nào cũng lạnh giá nhưng những cây đào nơi đây vẫn luôn nở rộ hoa.

Còn mùa hè có bốn mùa: Buổi sáng thì mát mẻ, buổi trưa trời nắng, buổi chiều lại mưa và đến tối thì se lạnh, đi ngủ phải đắp một chiếc chăn mỏng. Vì vậy mà Cao Sơn được ví như Sa Pa, Đà Lạt xứ Thanh. Cũng chính vì được thiên nhiên ưu đãi mà những hạt cây rau gieo xuống cứ thế mọc lên xanh tốt, không cần phải chăm sóc, phân bón.

Anh Ngân Văn Đức - Trưởng bản Son cho biết:  Vùng đất này từng có dự án trồng thử nghiệm thành công các loại cây dược liệu quý hiếm mà không phải nơi nào cũng có thể trồng được. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn nên sản phẩm dược liệu không thể tiêu thụ được.



Và người dân vẫn chủ yếu sinh sống theo lối tự cung, tự cấp với nhiều phong tục tập quán còn mang đậm bản sắc dân tộc Thái xưa, như: Vẫn dùng những cây gỗ khoét rỗng để làm quan tài chôn cất người chết…Với nhiều nét khác biệt như vậy, gần đây, Cao Sơn trở thành vùng đất thu hút nhiều người trong và ngoài nước đến khám phá.

Tuy nhiên, đường lên Son, Bá, Mười rất hiểm trở. Có thể lên Sơn, Bá, Mười theo hai đường: Một đường từ trung tâm xã Lũng Cao và một đường vòng qua huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Hiện nay đã có đường giao thông từ Tân Lạc lên Son Bá Mười, còn đường giao thông từ trung tâm xã Lũng Cao lên Son Bá Mười cũng đang được thi công.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Recent Posts