Thị Trấn "Giang Hồ" (Quảng Nam)


Chưa có công ty du lịch nào chính thức đưa tour khám phá văn hóa dân tộc Phước Sơn, kể từ lễ hội văn hóa và một hội chợ du lịch miền núi vài năm trước. 

Chỉ có những lời đồn đại về một thị trấn vàng, phảng phất không khí lạnh lùng, kiêu bạc đầy nghi hoặc như các thị trấn giang hồ dọc miền viễn Tây trong truyện của Jack London, đã khiến nhiều người e ngại lẫn tò mò tìm gặp...

Có thể chọn 2 ngả đường. Từ Đà Nẵng ngược quốc lộ 14B (82 km) qua Nam Giang, xuôi đường Hồ Chí Minh đến; hoặc từ Tam Kỳ theo quốc lộ 14E (100km), từ ngã ba cây Cốc (Hà Lam) lên tới ngã ba làng Hồi sẽ gặp Phước Sơn.



1. 14 giờ ở Tam Kỳ, 17 giờ đã chạm mặt Khâm Đức. Con đường Hồ Chí Minh xẻ ngang lòng thị trấn, cỏ cây dọc đường và cánh rừng trước mặt chợt óng ả, tinh khôi sau vài cơn mưa đẫm nước. Chưa kịp tàn bữa cơm chiều nơi một quán ăn không nhớ nổi tên, bóng tối và sương mỏng cùng những tia sáng yếu ớt hắt ra từ các căn nhà đã phủ lên thị trấn một màu “lành lạnh”.

Thi thoảng vài ánh đèn pha ô tô, xe máy quét ngang qua phố núi, rồi lẫn khuất vào cuối đường. Chỉ còn tiếng nhạc boléro rền rĩ suốt một dãy phố, tiếng trẻ con nói cười chát chít trong vài quán internet hòa lẫn tiếng lao xao chạm cốc, trò chuyện rôm rả dọc các quán rượu bày trên phố và dưới tán cây ven đường... Người ta bảo, mấy năm trở lại đây, thị trấn hoang liêu này đủ sức “liên lạc” với cả thế giới bên ngoài từ các dịch vụ internet và mạng di động đã phủ sóng...



Bác xe thồ đứng tuổi đợi khách ở trạm xăng cuối phố cho biết thị trấn bây giờ đã hiền lành hơn trước rất nhiều. Thi thoảng mới có vài cuộc đụng độ giữa đám “giang hồ tứ chiếng” đãi vàng, nhưng ở tận đâu Phước Kim, Phước Thành. Song những lời đồn đại đầy “ám ảnh”, nghi hoặc về một thị trấn phảng phất hơi hướng lạnh lùng, kiêu bạc như các thị trấn cao bồi, giang hồ của miền viễn Tây đã khiến du khách e ngại lẫn tò mò, rón rén đi dọc thị trấn. Quả thật cũng chẳng có gì ngoài các âm thanh đã gặp với bao cái nhìn chờ đợi... một ngày của cư dân thị trấn - vốn buồn tẻ như bao phố huyện hoang liêu trên dọc đường gió bụi vùng cao khác.



Đêm mịt mù trôi qua trong tiếng gió thổi ngoài bãi vắng, lướt qua mặt sân bay dã chiến cũ còn nguyên phi đạo dài 1 km, rộng 50 m rồi rít qua khe cửa khách sạn giữa trung tâm thị trấn. Một khách sạn vùng cao mà chẳng khác gì giữa phố đồng bằng: sang trọng, rộng, đủ tiện nghi, chỉ thiếu... máy lạnh (như Đà Lạt). Cô lễ tân vui vẻ “khoe” rằng nhiều du khách đã chọn nơi này qua đêm. Ngoài khách sạn 24 phòng, khách có thể tìm thấy vài nhà nghỉ và nhiều quán ăn hấp dẫn khác ngay thị trấn...

2. Đúng như lời giới thiệu của tay tài xế có máu mạo hiểm. Cung đường từ thị trấn đến đèo Lò Xo quả là đẹp nhất trong suốt 175 km đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam. Xe trôi theo con đường đầy hiểm trở, uốn lượn quanh sườn đồi, như cầu vồng, qua nhiều cánh rừng rậm, lọt giữa các khe núi trập trùng nối tiếp nhau...



Lác đác vài cư dân địa phương gùi dưa, thơm trên những chiếc gùi mộc, lầm lũi xuôi dốc. Không ít khách du lịch dừng lại bên cầu thác nước (km 283), ngắm dải nước mờ như bức rèm thưa ẩn hiện giữa đại ngàn của thác Bà hoàng Mô nich, hoặc chụp ảnh kỷ niệm giữa đường...

Từ trên đỉnh Lò Xo (không quên thắp một nén hương tưởng nhớ các vị cựu chiến binh gặp tai nạn trong ngày trở lại vài năm trước ở cuối dốc đèo - một khám thờ dường như không lúc nào tắt lửa chân hương), đã có thể ngắm nhìn non sông thủy tú. Xa xa là cánh rừng lá vàng - màu vàng như trong tranh của Levitan, phía dãy núi Ch'lum Heo ở Ngọc Linh, vàng suốt quanh năm...



Và, đám người “thám hiểm” đã phải vất vả leo lên cứ điểm Ngok Tak Vak ở độ cao 378m so với mặt nước biển, thuộc Phước Mỹ, cách thị trấn Khâm Đức 7km. Dù cứ điểm giờ chỉ còn dấu tích của sân bay trực thăng dã chiến, lọt giữa một rừng đồi núi trập trùng, và cũng chỉ vọng lại tiếng hô xung phong công đồn của quân giải phóng ngày 9-5-1968.

Rồi khách trở lại cũng để ngắm nhìn sân bay, đồi E và lang thang cùng thị trấn, dường như chỉ có mùa thu hanh hao se lạnh và mùa đông lướt thướt mưa qua...



3. Năm trước, một cuộc hội thảo về du lịch khám phá văn hóa dân tộc miền núi dọc đường Hồ Chí Minh mở, đã kéo những người khát khao du lịch về Khâm Đức, bàn tính chuyện tương lai. Những cái tên thác Nước Lang, thác Bà hoàng Mô- ních, cứ điểm Ngok Tak Vak, di tích đồi E, sân bay Khâm Đức..., dù không còn lưu giữ các hiện vật lẫn bãi vàng Phước Đức vẫn được chọn, làm vệ tinh cho trung tâm du lịch Khâm Đức, để có thể khai thác các tour đặc thù dành cho các cựu chiến binh đã từng tham chiến tại khu vực này.



Từ đó, dân địa phương đã âm thầm sửa sang lại đường, xây nhà nghỉ và tập làm... dịch vụ, mơ ngày đón khách, thay vì như đã từng “đón” đám “giang hồ tứ chiếng” lên thị trấn, chuẩn bị những cuộc săn vàng như trước đây.

Một ngày thôi đã hết. Xe cuốn bụi mù trở lại phố. Vẫn còn vọng lại lời cô hàng cà phê nơi phố núi: “Thị trấn em như một cô công chúa, mỏi mòn chờ đợi... Ngày anh trở lại, thị trấn đã là thị xã. Một Tây Đô của Quảng Nam đấy! Tha hồ làm giàu...”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Recent Posts