Suối Ba Hồ (Khánh Hòa)


Suối Ba Hồ thuộc địa phận thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm ở phía Bắc Tp. Nha Trang. Từ Nha Trang theo quốc lộ 1A ra hướng bắc chừng 25km, ngay dưới chân đèo Rọ Tượng rẽ trái vào chừng 3km là đến khu du lịch sinh thái Ba Hồ, thuộc xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Đây là con đường đất đỏ nhỏ hẹp, càng vào sâu càng xấu, khó lái xe. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ bé, bề ngang lớn hơn bề sâu, thấp lè tè, cái xây gạch không tô tường, cái vách đất, được bao bọc bởi những vườn cây trái không mấy tươi tốt.

Tới khu du lịch Ba Hồ, ta như “lọt” vào khoảng không gian tĩnh lặng, chốc chốc lại có tiếng chim ríu rít gọi nhau đâu đó trong những tán lá rừng. Cặp bên phải con đường trước ban quản lý khu du lịch và quầy giải khát là con suối nhỏ róc rách chảy xuyên cánh rừng rồi ra ruộng, đìa tôm, băng qua quốc lộ 1A và chảy ra đầm Nha Phu.



Có một tấm bảng xi măng giả cẩm thạch đen nằm khuất trong đống bao cát, phải vẹt ra mới đọc được dòng chữ: “Suối Ba Hồ có độ cao – rộng khác nhau, sinh động và hấp dẫn được nhân dân nơi đây gọi là danh thắng Suối Ba Hồ".

Suối Ba Hồ là một con suối bắt nguồn từ đỉnh Hòn Sơn có độ cao trên 660m so với mực nước biển, rồi chảy giữa hai triền núi đá xuống, gặp những chỗ bằng phẳng trên triền núi tạo thành ba chiếc hồ ở độ cao khác nhau, nên người ta gọi là Ba Hồ. Hạ nguồn suối chảy vào cánh đồng thôn Phú Hữu và đổ ra đầm Nha Phu. Đây là điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách, những người mà ưa thích du lịch mạo hiểm.

Lội bộ một đoạn gần một cây số ngược dòng nước trong mát lạnh của con suối len lỏi giữa những tảng đá lớn, nhỏ, lô nhô, chen chúc nhau thì đến hồ đầu tiên. Hồ này rộng khoảng 100 mét vuông, cảnh quan khá nên thơ, không gian thoáng đãng, dường như bao nhiêu mỏi mệt tự nhiên tan biến, thấy lòng nhẹ nhõm. Nước hồ trong xanh, cây cối bao quanh um tùm, rì rào khúc nhạc gió miên man.

Nhưng người địa phương cho hay, vào mùa mưa, hồ này có ngọn thác cao chừng 5 mét, nước tuôn xối xả xuống mặt đá tảng trơn bóng, chảy tràn con suối rộng chia thành nhiều nhánh bởi những tảng đá lớn.

Khách nhàn du chỉ nên đến đây vào mùa trước tháng Tư âm lịch; sau đó, tuy chưa phải mùa mưa, những những cơn mưa giông trên đầu nguồn có thể ập về đột ngột, nước lũ hung hãn đổ xuống sẽ là mối nguy cho du khách vì không có đường thoát.

Men theo sườn dốc núi, lên đến hồ thứ nhì, êm đềm, phẳng lặng; vẫn một cảnh quan hấp dẫn người thành thị. Nhưng khi leo đến hồ thứ ba thì cảnh quan trở nên hấp dẫn lạ thường với khá nhiều hang động nhỏ. Dòng nước trắng xóa của ngọn thác từ trên cao đổ ầm ào xuống lòng hồ không ngơi nghỉ. Lòng hồ trên cao này rộng, có thể cho hàng trăm người cùng tắm một lúc. Nhảy ùm xuống hồ, nước mát lạnh, xóa tan bao mệt nhọc sau nửa ngày trời đi bộ và leo trèo, ngồi bên bờ hồ thoảng đưa trong gió hương thơm dìu dịu của những nhánh lan rừng hoang dã.

Trên tấm bảng to đùng treo trước hàng hiên văn phòng của Khu du lịch Ba Hồ, người ta quảng cáo: Thú vị hơn khi được du ngoạn rừng nhiệt đới, tắm suối và thác nước hùng vĩ, thuê cần câu cá, bi-da, bơi thuyền, tổ chức cắm trại cuối tuần, khu nhà nghỉ, quầy lưu niệm và quầy giải khát. Nhưng thực tế thì ở đây chỉ có một quầy giải khát với chiếc tủ kính đựng vài ba thức uống thông dụng, chẳng có người phục vụ, mái lá lỗ chỗ nắng trời chiếu rọi!



Một nhân viên ban quản lý tâm sự: “Cảnh quan đẹp nhưng Ba Hồ khó phát triển du lịch vì năm nào cũng bị lũ lụt, đường từ quốc lộ 1 vào quá xấu”. Nhưng người bạn cùng đi với chúng tôi, vốn là dân Nha Trang đi xa lâu ngày trở về thì tiếc rẻ nói, ngày xưa Ba Hồ cùng với suối Tiên, suối Đổ ở Diên Khánh, suối nước nóng Dục Mỹ... luôn hấp dẫn người dân địa phương, nhất là giới thanh niên, học sinh du ngoạn dã ngoại vào những ngày nghỉ lễ, tết mà không ai sợ chuyện lũ lụt nguy hiểm vì hồi ấy rừng đầu nguồn hãy còn nguyên vẹn...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thời báo kinh tế Sài Gòn, TCDL...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Recent Posts